Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

LỄ HỘI ĐẦU NĂM CỦA LÀNG CHĂM THÔN BỈNH NGHĨA

Bỉnh Nghĩa là một làng người Chăm Bàlamôn (Cam Jat, nghĩa là người Chăm gốc, hay Cam Ahier) thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải cũ), tỉnh Ninh Thuận. Theo số liệu công bố của huyện Thuận Bắc,  xã Bắc Sơn có 4 thôn và 3 dân tộc cùng sinh sống bao gồm : 1.483 hộ/ 7.519 khẩu. Trong đó: Thôn Bỉnh Nghĩa gồm 557 hộ/ 3.055 khẩu; Thôn Láng Me ( chủ yếu là người Kinh sinh sống) gồm 357 hộ/1.603 khẩu; Thôn Xóm Bằng và Thôn Xóm Bằng 2 (Chủ yếu là người Rắclay) gồm 569 hộ/ 2.861 khẩu.

Theo các cụ trong làng, cái tên Bỉnh Nghĩa có từ năm 1937 dưới thời ông Đạo Đặng làm lý trưởng, khi làng chuyển về chỗ hiện nay. Còn tên Chăm của làng là Bal Riya. Làng nằm trong một vùng đất khô cằn, có những dãy núi lớn bao quanh như Cơk Yang, Cơk Praun, Cơk Mưrau, Cơk Mưh… Bỉnh Nghĩa không chỉ nằm trong một vùng đất khá biệt lập về địa lý mà lại tách khá xa những làng Chăm khác. Ở tỉnh Ninh Thuận, người Chăm sống tập trung và chủ yếu ở huyện Ninh Phước; ở huyện Ninh Hải, có hai thôn người Chăm: An Nhơn, Phước Nhơn ở xã Xuân Hải và thôn Bỉnh Nghĩa ở huyện Thuận Bắc.
Như vậy, có thể nói, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa sống ở một nơi khá tách biệt với khối cộng đồng Chăm Ahier của mình. Có lẽ vì lý do đó mà Bỉnh Nghĩa không nằm trong ba khu vực cộng đồng Bàlamôn ở Ninh Thuận. Khoảng 38.000 người Chăm Bàlamôn ở 16 thôn được phân thành ba khu vực theo đền tháp thờ tự: 1. Khu vực tháp Pô Rômê (làng Hậu Sanh) có sáu làng: Hậu Sanh, Hiếu Thiện, Vụ Bổn, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và Phước Lập; 2. Khu vực đền Pô Inư Nưgar (làng Hữu Đức) có ba làng: Hữu Đức, Như Bình và Bầu Trúc; 3. Khu vực tháp Pô Klong Girai có bảy làng: Hiếu Lễ, Chất Thường, Phú Nhuận, Hoài Trung, Phước Đồng, Thành Ý và có thể cả Bỉnh Nghĩa. Lý do để có thể quy Bỉnh Nghĩa vào khu vực Pô Klong Girai là vào những khi tiến hành lễ nghi cần đến chức sắc Bàlamôn ở thôn, thì thôn phải mời các vị chức sắc từ khu vực Pô Klong Girai đến làm lễ, vì trong thôn không có đầy đủ những thầy chức sắc Bàlamôn.
Tháp Pô Klong Girai
Ta thấy rằng, không chỉ không nằm vào một trong ba khu vực thờ tự, mà Bỉnh Nghĩa cũng không tham gia vào ba cụm các làng hàng năm tổ chức công lễ cầu đảo ở ba cửa biển. Như thường lệ, hàng năm, sau lễ hội Rija Nưgar đầu năm đúng một tháng (vào thượng tuần tháng hai lịch Chăm), người Chăm tổ chức lễ cầu đảo (Palao Rija Sah) rất lớn tại ba cửa biển: cửa biển ở núi Cà Đú (gần cửa biển Ninh Chử), cửa biển Cà Ná và cửa Nại. Tới Cà Đú làm lễ có các làng Chăm Bàlamôn: Hữu Đức, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong và các làng Chăm Bàni: Thành Tín, Tuấn Tú. Làm lễ tại cửa Nại có các làng Chăm Bàlamôn: Hoài Trung, Chất Thường, Hiếu Lễ, Phước Đồng, Thành Ý và các làng Chăm Bàni: Phú Nhuận, Lương Trị, Phước Nhơn, An Nhơn.  Còn các làng Chăm Bàlamôn: Hậu Sanh, Vụ Bổn, Hiếu Thiện, Phước Lập, Chung Mỹ, Mỹ Nghiệp và làng Chăm Bàni Văn Lâm thì tổ chức lễ tại cửa biển Cà Ná. Lễ hội Palao Rija Sah là một công lễ lớn nằm trong hệ thống các lễ hội chuyển mùa đầu năm của người Chăm. Điều đặc biệt là tại lễ cầu đảo này, diễn ra nhiều lễ thức đầu năm rất đa dạng: Có lễ thức tế sinh của Bàlamôn giáo, có lễ thức đọc kinh cầu đảo của Hồi giáo Bàni, có những bài hát và điệu múa phồn thực của tín ngưỡng dân gian, có cả việc tái hiện lại lễ Rija Nưgar…
Bỉnh Nghĩa cũng không đến cả các tháp Chăm để làm lễ Yôr Yang (lễ cầu mưa), công lễ mang tính chuyển mùa hàng năm của người Chăm. Sau lễ Palao Rija Sah hai tháng, nghĩa là sau lễ Rija Nưgar đầu năm đúng bốn tháng, vào thượng tuần tháng tư lịch Chăm, các làng Chăm đến ba khu tháp là Pô Klong Girai, Pô Rômê và Pô Dam (ở tỉnh Bình Thuận) làm lễ. Lễ Yôr Yang diễn ra trong hai ngày một đêm và gồm những lễ thức chính sau:
1. Talih Tanưk (lễ tẩy uế đền tháp);
2. Bac gar Pruang (lễ đọc kinh);
3. Cuh Yang Pui (lễ đốt thần Lửa).
Có thể thấy tính chất Bàlamôn giáo còn rất rõ trong lễ cầu đảo này; làm lễ tại các tháp thờ Bàlamôn giáo; đọc các bài kinh cổ ca tụng thần Lửa (Yang Aditak)… và dâng cúng các đồ tế cho các thần bằng lửa.
Cũng trong tháng tư Chăm, ngoài công lễ Yôr Yang ở các tháp, các làng Chăm cũng làm những lễ cầu đảo riêng ở cấp độ làng. Vào dịp này, đồng bào Chăm còn hành hương lên núi Chà Bang để cầu cúng nữ thần Pô Nai và đến các miếu thờ Pô Riyak (thần Sóng Biển) để cầu mưa, cầu phúc cho cả năm.
Hệ thống lễ hội chuyển mùa đầu năm của người Chăm kéo dài suốt bốn tháng đầu năm (thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa), bắt đầu từ lễ hội Rija Nưgar, qua đại lễ Palao Rija Sah và kết thúc ở công lễ Yôr Yang và diễn ra vừa ở từng làng, vừa ở các cửa biển, vừa ở các đền tháp, và tất nhiên, vừa ở các gia tộc. Nghĩa là, trong dịp lễ hội chuyển mùa đầu năm, người Chăm vừa làm lễ ở nhà, ở gia tộc, vừa tham gia vào lễ của làng và vừa đi cầu cúng tại các công lễ ở những địa điểm bên ngoài làng mình.
Khác với đại đa số cộng đồng Chăm, ở Bỉnh Nghĩa, gần như tất cả những lễ nghi chuyển mùa của một năm được tiến hành liên tục trong 10 ngày đầu tháng một lịch Chăm (khoảng tháng tư hoặc tháng năm dương lịch) qua một loạt cuộc lễ tại các địa điểm khác nhau trong và ngoài làng Bỉnh Nghĩa. Các địa điểm mà ở đó lần lượt diễn ra các lễ đầu năm của dân làng Bỉnh Nghĩa là:
Miếu thờ Pô  BilThuôr
1. Miếu thờ Pô BilThuôr (hay còn gọi là miếu Ông) tại làng Bỉnh Nghĩa;
2. Một bãi trống của làng Bỉnh Nghĩa (thường là bãi sân bóng đá của làng);
3. Lăng Pô BilThuôr (cách làng Bỉnh Nghĩa 14km về phía Đông thuộc hai làng Khánh Nhơn và Mỹ Tường, xã Nhân Hải);
4. Cửa Ngâm (thuộc làng Mỹ Tân, xã Nhân Hải);
5. Miếu Pô Bia Sôi (hay được gọi là Miếu Bà Đỏ) ở làng Mỹ Tân, xã Nhân Hải;
6. Miếu Pô Inư Nưgar tại làng Bỉnh Nghĩa;
7. Núi Chà Bang ở Phước Nam, huyện Ninh Phước;
8. Miếu Pô Riyak (thần Sóng Biển) ở làng Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. Các địa điểm này nằm trải ra trên một địa bàn khá rộng ở hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.
Về Lễ hội đầu năm của làng Chăm thôn Bỉnh Nghĩa:
Trong đại lễ hội đầu năm, chỉ có một đại lễ hội – lễ hội Rija Nưgar – của người Chăm ở Bỉnh Nghĩa và ở các nơi khác là ít nhiều có sự thống nhất cả về thời gian và về tính chất.
Như ở các làng Chăm khác, ngày hôm trước của Rija Nưgar, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa làm lễ Rija Harei ở miếu thờ thần làng – miếu Pô Bil Thuôr. Lễ diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ vào buổi trưa trong cái rạp cao khoảng 2m, rộng 4m và dài 5m dựng ở sân miếu. Chủ lễ là ông Từ cùng ông Bóng và thầy Cò Ke (ông Kadhar) là phụ. Ban nhạc có trống paranưng, trống ginăng, kèn saranai và chiêng. Lễ vật cúng gồm trầu cau, hoa quả, cơm, canh, rượu, trứng và thịt dê.
Hai ngày lễ hội Rija Nưgar ở Bỉnh Nghĩa, về cơ bản có nhiều điểm giống như ở các nơi khác: được tiến hành vào hai ngày tại một rạp lễ dựng lên ở một bãi trống trong làng; ngày đầu của lễ cúng gà, ngày thứ hai cúng dê cùng mâm hình nộm người và súc vật bằng bột nặn; vai trò chủ lễ của ông thầy Vỗ (ông Mưdỡn) và ông Bóng (on Kaing). Thế nhưng, ở lễ Rija Nưgar của Bỉnh Nghĩa, cũng có một số nét rất riêng.
Trước hết là lễ vật cúng tế. Ở Bỉnh Nghĩa, lễ vật cúng tế ngày thứ hai được chia cụ thể ra cho một số vị thần:
Lễ vật cúng
  - Hai mâm chín lớp gồm chuối, bánh chà kung, xôi, bánh đúc cho Pô Inư Nưgar;
 - Hai mâm tám lớp dành cho Pô Kamantri (thần ghi chép);
  -    Hai mâm bảy lớp dành cho Pô Klong Girai;
  -  Hai mâm năm lớp dành cho Pô Bil Thuôr và Pô Dam;
 -    Một mâm chín lớp dành cho Ya Pô Sang (thần xóm làng: nhà cửa),
-         Hai mâm thịt dê lớn và hai mâm thịt dê nhỏ cúng chung cho các vị thần.
Cũng trong ngày thứ hai này, còn một số điều rất khác và chỉ có trong lễ hội Rija Nưgar ở Bỉnh Nghĩa.
Điểm khác thứ nhất là, trong ngày thứ hai, trước nhà lễ, diễn ra hát đối đáp (dauk Sa) và sau đó là múa phồn thực (Tamia Klai kluk - nghĩa đen là múa dương vật).
Hát đối đáp
-   Hát đối đáp (dauk Sa) do một nhóm nam và một nhóm nữ thực hiện: bên nam hát rồi bên nữ hát đáp lại.
- Múa Phồn thực (Tamia Klai Kluk), người múa là một người đàn ông to khỏe được dân làng bầu chọn và bà Bóng (muk pajau). Vào lễ, ông thầy Cò Ke (kadhar) kéo đàn rabap hát bài tụng ca về nữ thần Mẹ Pô Inư Nưgar, còn người đàn ông được chọn (sau khi đã làm nghi thức mặc váy, áo và khăn trùm đầu) cầm ba cây dương vật (klai kluk) bằng gỗ dài khoảng 25cm đầu tô màu đen, bước ra múa và làm những động tác giao hợp. Múa một hồi, người đàn ông chuyển ba cây dương vật cho bà Bóng rồi tiếp tục múa. Sau đấy, ba cây dương vật được làm lễ tẩy uế rồi được đem đặt lên mâm các hình nhân bằng bột (salih). Kết thúc lễ Rija Nưgar, người ta đem mâm các hình nhân cùng ba cây dương vật thả xuống nước.
Múa Phồn thực
Không còn nghi ngờ nữa, tại lễ hội Rija Nưgar ở Bỉnh Nghĩa, do những nguyên nhân khách quan mà chủ yếu có lẽ là do bị “tách” khỏi khối người Chăm Bàlamôn giáo ở bên kia dòng sông Cái (Krong Praong) nên còn giữ lại được những lễ tục mang tính chất phồn thực của lễ Tết năm mới.
Những nghi thức phồn thực hát đối đáp và múa dương vật cùng các lễ thức của ngày thứ hai Rija Nưgar được lặp lại tại lễ Palao Sah (cầu đảo). Lễ cầu đảo của Bỉnh Nghĩa về cơ bản có một số nét giống của các nơi khác: cũng diễn ra tại cửa biển, cùng với mục đích cầu mưa và cũng có các lễ thức lặp lại lễ hội Rija Nưgar. Thế nhưng, lễ Palao Sah của Bỉnh Nghĩa diễn ra chỉ sau Rija Nưgar có mấy hôm chứ không sau một tháng như ở nơi khác, với sự tham gia của dân làng Bỉnh Nghĩa và được tổ chức tại cửa biển khác – cửa Ngâm (thuộc thôn Mỹ Tân, xã Nhơn Hải).
Làm lễ cầu Đạo tại Cửa Ngâm
Trước khi làm lễ cầu đảo tại Cửa Ngâm, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa tiến hành hai lễ tại hai địa điểm khá cách xa nhau: lăng Pô Bil Thuôr (lăng Ông) ở chân núi Aia Mưthin (núi Nước Mắm) thuộc địa phận hai thôn Khánh Nhơn và Mỹ Tường của xã Nhơn Hải, cách Bỉnh Nghĩa 14km về phía đông, và miếu Pô Bia Sôi (hay miếu Bà Đỏ) ở thôn Mỹ Tân, xã Nhơn Hải. Các lễ thức diễn ra ở hai nơi này giống như trình tự và cách thức của các lễ trên các tháp Chăm: bắt đầu là lễ mở cửa, rồi đến lễ rước nước tẩy uế, rước y phục vào, lễ tắm tượng và chính lễ. Lễ do ông thầy Cò Ke (ôn Kadhar) và bà Bóng (muk Pajau) làm chủ lễ. Ngoài ra, tham gia làm lễ còn có ông Bóng (ôn Kaing), ông Từ (Cei Mưnay) và ông thầy Vỗ (ôn Mưduơn). Đồ cúng giống như của lễ Rija Nưgar. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình làm hai mâm lễ (một mâm cơm và một mâm hoa quả). Lễ chính ở lăng Pô Bil Thuôr bắt đầu lúc 3 giờ chiều và kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, còn ở miếu Bà Đỏ thì từ giữa trưa đến 5 giờ chiều của ngày hôm sau. Mục đích của các lễ hội tại lăng Ông và miếu Bà Đỏ là tưởng nhớ và cầu mong các thần ban cho dân làng những điều tốt lành.
Lễ tắm tượng
Người Chăm cho rằng Pô Bil Thuôr là vua (Pô Tao) Chế Bồng Nga và hòn đá tròn lớn ở Lăng Ông là cái đầu của vua tìm về quê lúc tử trận. Trong khu lăng, ngoài tảng đá tròn lớn (Pô Bil Thuôr) còn một hòn nhỏ mà dân làng gọi là hòn của Pô Dam. Bên ngoài khu chính của lăng có một hòn đá nữa, được gọi là hòn của Pô Ginôr Mưtri (thần Siva). Truyền thuyết của người Chăm kể rằng, khi Pô Bil Thuôr ra trận, vợ ngài là Pô Bia Sôi ngày ngày lên quả đồi Hòn Đỏ nhìn ra biển ngóng thuyền của chồng trở về. Vì đợi quá lâu, bà chết và dân chúng lập đền thờ bà ở ngay trên quả đồi này. Tương truyền, những ngày đợi chồng, Pô Bia Sôi ăn trầu nhả bã ra làm đỏ cát của cả quả đồi, vì thế mới có tên là Hòn Đỏ và miếu của bà được gọi là miếu Bà Đỏ. Trong ngôi miếu nhỏ Pô Bia Sôi, có hai hòn đá: hòn to ở phía trong (Bia Sôi) và hòn nhỏ ở phía ngoài (Pô Binôr Mưtri). Cách đây chừng hơn chục năm, do cát trôi, ngay ở phía bên ngoài miếu Bà Đỏ đã lộ ra một tấm bia đá cổ. Tấm bia hình trụ vuông và cả bốn mặt đều có những dòng chữ cổ của Chămpa xưa. Chắc hẳn nội dung của tấm bia (chưa được nghiên cứu và dịch) sẽ cho chúng ta biết những thông tin gì đấy về quả đồi Hòn Đỏ và khu vực cửa biển rất quan trọng này đối với vùng đất Panduranga xưa (nay là Phan Rang).
Sau lễ cầu đảo ở cửa Ngâm vài ba ngày, dân làng Bỉnh Nghĩa tiếp tục tổ chức một số lễ tiếp theo. Đầu tiên là lễ Pô Inư Nưgar rồi đến lễ Pô Nai – Pô Riyak. Lễ Pô Inư Nưgar là lễ dành cho nữ thần mẹ Pô Inư Nưgar và được tổ chức tại miếu Pô Inư Nưgar của làng. Như vậy là, ngoài miếu thờ thần hoàng làng Pô Bil Thuôr, trong làng Bỉnh Nghĩa còn có miếu thờ Pô Inư Nưgar – một hiện tượng rất hiếm ở các làng Chăm. Nữ thần mẹ Pô Inư Nưgar của Bỉnh Nghĩa được gọi là Pô Inư Nưgar Hamukut (nữ thần mẹ xứ sở Hamukut – khu vực làng Bỉnh Nghĩa). Hiện tượng này là một bằng chứng nữa về sự “độc lập” của làng Chăm Bỉnh Nghĩa.
Như những lễ được tổ chức trong các đền tháp, lễ Pô Inư Nưgar do ông Kadhar và bà Muk Pajau làm chủ lễ. Ngoài các lễ thức thông thường (như mở cửa, tắm tượng…), tại lễ Pô Inư Nưgar còn có hát đối đáp và múa phồn thực như trong lễ hội Rija Nưgar.
Trước đây, người Chăm Bỉnh Nghĩa cũng lên núi Chà Bang để tế lễ nữ thần Pô Nai và đến làng Sơn Hải (Phước Dinh) để lễ thần Sóng Biển Pô Riyak. Thế nhưng giờ đây cả hai lễ trên đều được tổ chức tại sân miếu thờ Pô Bil Thuôr và do ông Bóng làm chủ lễ. Trong lễ, ông Bóng múa mừng Pô Nai bằng mâm hoa quả và múa mừng Pô Riyak bằng điệu múa chèo đò như trong lễ hội Rija Nưgar.
Như vậy, chỉ trong vòng mươi ngày đầu tháng một (lịch Chăm) hàng năm, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa tiến hành một loạt lễ thức mà người Chăm ở các nơi khác phải thực hiện trong suốt mấy tháng đầu năm. Vào năm mới, như các nơi khác, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa cũng đón năm mới bằng lễ hội Rija Nưgar (cùng một số lễ thức phù trợ). Chỉ một ngày sau, người Chăm Bỉnh Nghĩa tổ chức luôn lễ cầu đảo. Và cũng vào dịp đầu năm, như nhiều nơi khác, người Chăm ở Bỉnh Nghĩa còn đến những đền miếu, lăng mộ các vị thần để dâng cúng và cầu nguyện mưa gió thuận hòa cùng vạn sự tốt lành cho cả năm.
Hơn thế nữa, trong một số lễ thức đầu năm như ngày thứ hai của Rija Nưgar và lễ cầu đảo còn diễn ra những lễ thức mang tính phồn thực rất đặc trưng cho lễ Tết năm mới của các cư dân nông nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Vậy nên, về thực chất Rija Nưgar là lễ Tết năm mới truyền thống của người Chăm.
Về những điệu múa, nhạc cụ trong Lễ hội
Cái hương sắc của những lễ hội chuyển mùa đó của người Chăm chính là múa. Và để có những điệu múa thiêng đầu năm, phải có nhạc và những lời ca. Nhạc và những bài thánh ca làm nền cho những điệu múa thiêng đầu năm của người Chăm thật đặc biệt và rất Chăm.

Lễ múa mở cửa Đền
Cũng như các múa nghi lễ khác, múa của ông Bóng trong lễ hội Rija Nưgar là múa thiêng. Không phải ngẫu nhiên mà hôm đầu của Rija Nưgar được người Chăm gọi là ngày cúng thần (êw yang). Và trong ngày cúng thần này, ông thầy Vỗ vừa vỗ trống paranưng còn có thêm ba loại nhạc cụ nữa của người Chăm là một cặp trống kinăng, kèn saranai và một chiếc chiêng (cèng-cheng). Thầy Vỗ hát đến vị thần nào thì ông thầy Bóng múa điệu múa tương ứng với vị thần được mời. Bởi vậy, có thể nói, tính thiêng nằm ngay trong tiếng trống paranưng rất đặc trưng này của người Chăm.
Trong số các nhạc cụ truyền thống của người Chăm, có bốn loại trống là:
-         Trống đại (hakăr prong - đọc là kar prong);
-         Trống con (hakăr sit);
-         Trống kinăng;
-         Trống paranưng.
Điều đặc biệt là mỗi loại trống có một vị trí hay vai trò chủ đạo trong một vài nghi lễ nhất định. Ví dụ, ở lễ nào có thầy Cò Ke (thầy kéo đàn kanhi) chủ lễ hay trong các đám tang thì không dùng trống ginăng. Còn trong lễ Rija Nưgar nói riêng và các lễ Rija khác thì trống paranưng là nhạc cụ chủ đạo vì chức năng chính của loại trống này là đệm cho các bài tụng ca các thần nhằm cầu khẩn những điều tốt lành, thịnh vượng cho cộng đồng, làng xóm và gia tộc.
Trống Paranưng
Paranưng là một loại trống có đường kính mặt trống từ 40 đến 44cm và cao từ 10 đến 13cm và chỉ có một mặt. Chất liệu và cách làm paranưng cũng rất đặc biệt. Thân trống được làm bằng thân cây cóc hoặc cây lim lớn cưa ngang rồi khoét rỗng. Mặt trống được làm bằng da (Bò, trâu, hươu, dê,…). Vòng căng dây kéo mặt trống bằng cây mây, dây căng mặt trống bằng dây mây nhỏ, các con nêm bằng gỗ. Khi đánh paranưng, ông thầy Vỗ (ôn Mư duơn) ngồi trong tư thế xếp bằng, kê trống lên đùi chân trái, úp trống (quay mặt trống ra ngoài) trước ngực dùng tay tỳ giữa trống và vỗ trống bằng hai tay chứ không dùng dùi để đánh.
Cũng như các loại trống khác, paranưng có cách đánh tạo thành các loại âm riêng. Paranưng có ba âm (hay nốt) đi với ba cách vỗ sau:
- Âm “tầm” ký hiệu \ và khi vỗ thì vỗ các ngón tay vào mặt trống cách bìa trống 10cm;
- Âm “tắc”, ký hiệu /, khi vỗ thì vỗ các ngón tay vào mặt trống cách bìa trống 5 cm;
- Mở các ngón tay tạo thành âm “tâm” (-).
Chỉ với ba âm “tầm”, “tắc”, “tâm” thôi mà trong lễ Rija Nưgar, ông thầy Vỗ tấu được cả chục bài nhạc đệm cho các bài tụng ca các thần.
Trên thực tế, trong lễ hội Rija Nưgar có ba điệu múa khác nhau:
-      Điệu thứ nhất là điệu múa dành cho gần như tất cả các thần được mời về và được các ông thầy Bóng gọi là điệu múa bình thường (Mya Phyan đọc là Mia bhian).
-      Điệu thứ hai là điệu múa dành cho Pôtăng Ahok là điệu múa chèo đò nhưng người Chăm gọi là điệu múa mía (Mya tapow đọc là mia tabuw) vì khi múa ông Bóng sử dụng cây mía làm đạo cụ.
-      Về điệu múa thứ ba, điệu múa đặc biệt của lễ hệt Rija Nưgar là vũ điệu đạp lửa (Mya cwă puy đọc là mia juak pui) vì mục đích chính của ông Bóng trong điệu múa này là phải dùng đôi chân dập tắt đống lửa lớn. Có thể nói, vũ điệu đạp lửa là một trong những biểu tượng mang tính lễ thức quan trọng nhất của lễ hội Rija Nưgar.
Ba điệu múa chính vừa kề trên đều đi theo nhạc của tiếng trống paranung: múa thường theo cả ba điệu nhạc, múa chèo đò theo điệu nhạc hơi nhanh và múa đạp lửa theo điệu nhạc nhanh, dồn dập.
Tiếng trống paranưng và nhịp điệu của bài tụng ca của ông thầy Vỗ (ôn Mư duơn) có tác dụng chỉ huy những điệu múa của ông Bóng; thế nhưng tiếng trống kinăng mới thực sự tạo nhịp điệu cho những bài múa trong lễ hội Rija Nưgar.
Nghệ nhân đánh trống Ginăng
Kinăng là một loại nhạc cụ rất đặc biệt của người Chăm cả về cách chế tạo, cách sử dụng và chức năng của nó trong cuộc sống của người Chăm. Về nguyên tắc trống kinăng bao giờ cũng phải có đôi (hai chiếc). Bởi vậy, khi làm trống kinăng người ta phải làm một cặp. Các bộ phận chính của trống kinăng được chế tác khá công phu. Thân trống dài 72cm với đường kính mặt lớn 28cm và đường kính mặt nhỏ 24cm được tạo từ một thân cây lớn như loại cây cà chít đục rỗng lòng, bào láng bên ngoài sao cho không có tì vết, không nứt. Thông thường người Chăm dùng một thân cây dài cắt ra làm đôi để làm một cặp trống. Khi đã có được một cặp thân trống dài hình trụ nguyên khối hơi vồng lên ở giữa người ta mới căng hai mặt trống bằng hai loại da khác nhau: da trâu cho mặt lớn và da dê hay da mang rừng cho mặt nhỏ. Viền da được cuốn bằng một vòng tre và mặt da được căng bằng cả một hệ thống dây da trâu níu kéo hai đầu lại với nhau. Trong trống, người ta thường cho vào vài hòn sỏi hay hạt lục lạc để tạo ra tiếng động rung khi đánh. Khi sử dụng, người ta đánh trống bằng cả dùi gỗ và tay không; dùi gỗ đánh mặt lớn, tay không vỗ mặt nhỏ.
Trống kinăng được sử dụng khá rộng rãi và có mặt ở nhiều lễ hội và thường đi với trống paranưng của ông thầy Vỗ. Trống kinăng có vai trò có thể nói là quan trọng nhất để gây không khí cho các lễ hội và để đệm cho các điệu múa. Thế nhưng trống kinăng không được sử dụng trong một số trường hợp như: lễ thân tộc, lễ cúng trong hội katê, đặc biệt là trong lễ tang. Về mặt hình thức thì có thể thấy lễ nào do thầy Cò Ke làm chủ lễ thì trống kinăng không được dùng.
Vì có hai mặt được sử dụng, nên hệ thống âm của trống kinăng nhiều gấp đôi của paranưng.
Mặt nhỏ của trống kinăng gọi là “chang” được vỗ bằng các đầu ngón tay của người đánh và gồm các âm:
-   “Tớ” (kí hiệu /) tạo bởi các đầu ngón tay vỗ sát mặt trống;
-   “Tin” (kí hiệu \) tạo bởi các đầu ngón tay vỗ vào giữa mặt trống ;
- “Tik” (kí hiệu •) tạo bởi các đầu ngón tay vỗ vào mặt trống rồi giữ nguyên các ngón tay tại đấy để được âm tắc.
Mặt lớn của trống gọi là “pầm” được đánh bằng dùi và có các âm sau:
-  “Gik” (kí hiệu •) tạo bởi dùng đầu dùi đánh mạnh vào mặt trống ở các trường hợp tiết tấu chậm.
- “Glong” (ký hiệu /) tạo bởi dùng đầu dùi đánh mạnh vào mặt trống;
- “Gleng” (ký hiệu ’) tạo bởi dùng dùi đánh nhẹ vào mặt trống.
Các nhà nghiên cứu ở trung tâm văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết là đã sưu tầm và chọn lọc ra được 54 bài (điệu) của trống kinăng (tiếng Chăm gọi là Đôm ligăm kinăng). Trong số các bài đã sưu tầm được, có bốn bài liên quan tới lễ hội Rija Nưgar: bài Pô Hanim Pơr và Pô Sah Inư, bài Pô Ramê và bài Pô Tăng Ahok.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét